#

Gia Lai: Nghi vấn Công ty FBS chiếm dụng tiền thuế bằng hợp đồng vay vốn?

Đăng bởi Nhóm PV

17/03/2021 14:42

Công ty cổ phần tài chính và phát triển doanh nghiệp FBS (công ty con thuộc Khối BĐS Tập đoàn Gami) đang “lách luật” để bán các sản phẩm chưa đủ điều kiện trong dự án Khu phố mới Hoa Lư – Phù Đổng thông qua các hợp đồng vay vốn. FBS hầu như đã bán được hết các sản phẩm trong giai đoạn 1 và 2 bằng hình thức trên. Cần làm rõ dấu hiệu hành vi chiếm dụng tiền thuế của nhà nước?

    135772356-2698196287177627-3991431136405440704-o2-1615965843.jpg
    Trụ sở Công ty FBS - Hình: PV.

    Đóng thuế đúng và đầy đủ là nghĩa vụ của mọi tổ chức kinh doanh, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng góp vào ngân sách của quốc gia. Việc “lách luật” để bán nhà ở hình thành trong tương lai bằng hợp đồng vay vốn của Công ty FBS có dấu hiệu vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Hành vi này còn có thể tạo ra vỏ bọc để “kéo dài” nghĩa vụ thuế liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản của FBS, và cũng là cơ hội để FBS chiếm dụng tiền thuế đáng lẽ phải kê khai và nộp ngay khi thực hiện hoạt động mua bán và thu tiền từ khách hàng (nếu phát sinh nghĩa vụ thuế phải đóng).

    Đối chiếu quy định pháp luật, cụ thể theo Điểm b, khoản 3 Điều 4 Nghị định 209/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bằng hình thức mua bán nhà ở hình thành trong tương lai kê khai và nộp thuế GTGT như sau: “Trường hợp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế giá trị gia tăng là số tiền thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng trừ (-) giá đất được trừ tương ứng với tỷ lệ % số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng”.

    Ngoài ra, đối với nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp thì Doanh nghiệp phải hạch toán và nộp như sau: “Trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng hoặc cho thuê, có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ dưới mọi hình thức thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp là thời điểm thu tiền của khách hàng, cụ thể: Trường hợp doanh nghiệp có thu tiền của khách hàng mà xác định được chi phí tương ứng với doanh thu đã ghi nhận (bao gồm cả chi phí trích trước của phần dự toán hạng mục công trình chưa hoàn thành tương ứng với doanh thu đã ghi nhận) thì doanh nghiệp kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo doanh thu trừ chi phí; Trường hợp doanh nghiệp có thu tiền của khách hàng mà chưa xác định được chi phí tương ứng với doanh thu thì doanh nghiệp kê khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ 1% trên doanh thu thu được tiền và doanh thu này chưa phải tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm; Khi bàn giao bất động sản doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và quyết toán lại số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp thấp hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thì doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn thiếu vào Ngân sách Nhà nước. Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp lớn hơn số thuế phải nộp thì doanh nghiệp được trừ số thuế nộp thừa vào số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tiếp theo hoặc được hoàn lại số thuế đã nộp thừa”. (điểm a, khoản 1 Điều 17 Thông tư 78/2014 TT-BTC).

    Về mặt giấy tờ thì thể hiện là FBS ký hợp đồng huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh với tên gọi “Hợp đồng vay vốn”. Theo lập luận của phía FBS thì đây là tiền vốn huy động, không phải là tiền bán sản phẩm trong dự án. Đây cũng chính là cái cớ để FBS biện luận cho việc chưa kê khai và nộp thuế khi có sự kiểm tra, rà soát từ phía cơ quan thuế. Nhưng bản chất đằng sau của việc vay vốn là một giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai đúng nghĩa và được “núp bóng” dưới dạng “Hợp đồng vay vốn” kèm theo “Bản đăng ký mua nhà ở”, và trên thực tế chính các khách hàng ký kết “Hợp đồng vay vốn” cũng mặc định cho rằng lô đất mà mình chọn trong “Bản đăng ký mua nhà ở” là tài sản của mình đã được FBS bán.

    1-1615966146.jpg
    Đằng sau của việc vay vốn là một giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai


    Cần hiểu chính xác là không phải FBS không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, mà phải xem xét là FBS đã đóng thuế vào thời điểm nào. Đáng lẽ ra, FBS phải đáp ứng các điều kiện và hoàn thành các thủ tục mà pháp luật quy định để đưa bất động sản là nhà ở hình thành trong tương lai vào giao dịch và thực hiện nghĩa vụ thuế ngay khi chuyển nhượng bất động sản. Nhưng FBS lại không hoàn tất các điều kiện, thủ tục và đã mở bán các bất động sản bằng “Hợp đồng vay vốn” và “Bản đăng ký mua nhà ở”.rao đổi với PV, Luật sư Hoàng Văn Huy (Thuộc đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết: “Việc vay vốn đơn thuần để phục vụ sản xuất kinh doanh thì không phát sinh doanh thu nên FBS không phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế ngay. Nhưng vay vốn theo kiểu FBS đang vay rõ ràng mang bản chất của việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Theo quy định pháp luật thì chủ đầu tư chuyển nhượng bất động sản có nghĩa vụ phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có). Việc vi phạm nghĩa vụ trên có bị xem là hành vi chiếm dụng tiền thuế của nhà nước.

    Chính việc đó đã giúp FBS kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước có thể đến vài năm hoặc chục năm sau (đến khi dự án đủ điều kiện mở bán). Chưa kể, có thể sau khi ký “Hợp đồng vay vốn” và “Bản đăng ký mua nhà ở”, bất động sản tăng giá và khách hàng bán “sang tay” cho người khác và hưởng tiền chênh lệch. Vậy số tiền chênh lệch đó ai sẽ là người thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Cần làm rõ có hay không FBS tiếp tay cho người mua trốn tránh nghĩa vụ thuế trên phần chênh lệch?.

    Theo ghi nhận của phóng viên thì FBS đã bán hầu hết các sản phẩm của dự án trong giai đoạn 1 và 2 với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng (đơn giá trung bình dao động khoảng 30 triệu/m2). Giai đoạn 2 còn chưa hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng, cho thấy dự án này còn kéo dài rất lâu nữa thì mới đủ điều kiện để mở bán. Rồi đến khi nào thì FBS mới kê khai và nộp tiền thuế lẽ ra phải nộp từ khi thu tiền của người mua vào ngân sách nhà nước!

    2-1615966147.jpg
     
    3-1615966147.jpg
    Hiện trạng người mua đang rao bán đất trong dự án

    PV sẽ tiếp tục làm rõ các sai phạm của FBS trong việc xây dựng không đúng quy chuẩn, thiết kế đã được phê duyệt trong dự án khu phố mới Hoa Lư – Phù Đổng trong các kỳ sau.Mặc dù dấu hiệu của việc chiếm dụng tiền thuế của nhà nước trong một thời gian dài và khá rõ như vậy nhưng FBS lại không bị các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ và xem xét xử phạt, truy thu nếu có vi phạm. Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không sự buông lỏng quản lý từ những cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát dự án?

    Nhóm PV
    Bạn đang đọc bài viết "Gia Lai: Nghi vấn Công ty FBS chiếm dụng tiền thuế bằng hợp đồng vay vốn?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)

    Cùng chuyên mục