#

Cuộc sống bên kênh thoát nước sân bay Tân Sơn Nhất

06/04/2021 00:42

TP HCMKênh Hy Vọng - tuyến thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, 10 năm qua luôn ngập rác ảnh hưởng đời sống hơn 200 hộ dân xung quanh.

    Giữa trưa nắng, ông Phạm Văn Đồng, 70 tuổi, ngụ hẻm đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình, đội nón vải, tay cầm thanh sắt dài chừng một mét bước xuống dòng kênh nước đen kịt, bốc mùi hôi trước cửa nhà. Một tay bịt mũi, một tay ông khua thanh sắt kéo chiếc bao lác màu trắng đầy ruồi muỗi vào bờ. Mùi thối nồng nặc ùa lên khi chiếc bao được mở, bên trong chứa nhiều đầu ruột cá, thức ăn thiu và xác chuột chết. Ông cẩn thận bọc thêm hai lớp bao nữa, cột chặt đưa vào thùng rác gần đó.

    Ông Phạm Văn Đồng vớt rác bị vứt xuống dòng kênh, sáng 1/4. Ảnh: Hà An.

    Ông Phạm Văn Đồng vớt rác bị vứt xuống dòng kênh, sáng 1/4. Ảnh: Hà An.

    "Nếu mình không vớt, bỏ vào thùng rác bỏ, mùi thối xộc lên chịu không nổi", ông Đồng nói và cho biết hơn 3h khuya nghe tiếng xe máy đi qua sau đó là tiếng người trò chuyện, ném rác xuống kênh. Tình cảnh vứt rác xảy ra hơn 20 năm qua, khi vợ chồng ông cùng 4 con nhỏ đến sống ven con kênh này.

    Ngày mới về, con hẻm đất rộng chỉ đủ hai xe máy tránh nhau, mùa mưa sình lầy, mùa nắng bốc mùi hôi vì rác. Ông Đồng kể không biết từ bao giờ, nhiều người xem con kênh là bãi chứa rác nên ai đi ngang qua cây cầu trước cửa nhà đều quăng bịch rác xuống kênh. Có người thậm chí vác cả 2-3 bao tải lớn chứa đầy chất thải vứt xuống rồi nổ máy chạy đi.

    Nhiều nhà dân xây tạm bợ dọc theo kênh cơi nới đủ kiểu bằng ván nhựa, gỗ, tôn... để có không gian rửa thức ăn, giặt đồ. Bao nhiêu thực phẩm, túi nylon, nước thải đều xả xuống dòng nước. Một số gia đình thậm chí không làm hầm ga mà cho đường ống nước thải từ nhà vệ sinh chảy thẳng ra kênh.

    "Con kênh tên Hy Vọng rất đẹp nhưng người dân ở đây nói vui nên đặt tên nó là kênh thất vọng", bà Nguyễn Thị Tía, 63 tuổi, vợ ông Đồng nói và cho biết mấy chục năm sống ở kênh đã quá quen với mùi hôi, ruồi muỗi.

    Năm 2019, cơn mưa kéo dài một giờ khiến nước dưới kênh dâng cao, tràn vào sân nhà ông Đồng. Lấy tấm ván cao hơn nửa mét chắn trước cửa nhà để chặn rác trôi vào, ông Đồng đứng canh để tấm ván khỏi lật. Chứng kiến cảnh tượng bao nylon, thùng xốp, củi khô nổi dày đặc trong dòng nước đen, ông nhìn xuống bàn chân da bông tróc, ngứa không chịu nổi vì ô nhiễm.

    Những tấm nệm bị người dân vứt xuống dòng kênh. Ảnh: Hà An.

    Những tấm nệm bị người dân vứt xuống dòng kênh. Ảnh: Hà An.

    Không cam chịu như ông Đồng, ông Trần Văn Dũng, 52 tuổi, nhà ở gần cầu Bản kênh Hy Vọng, bán bún bò Huế hơn 10 năm nay là người theo dõi và bắt quả tang cả trăm vụ người dân lén xả rác ra kênh chủ yếu từ 22h đến 3h sáng hôm sau. Mới đây hai người đàn ông chở nhiều bao đựng xà bần, mảnh chai định vứt xuống kênh. Ông Dũng nhìn thấy hô hoán, nhắc nhở, hai người kia rồ ga bỏ đi. Tuy nhiên khi thấy ông vào nhà, họ quay lại vứt các bao rác xuống kênh.

    Rác thải không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sống xung quanh mà còn làm tắc nghẽn dòng chảy kênh Hy Vọng - nơi được xem là hướng thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất, ảnh hưởng an toàn bay. Nghiêm trọng nhất vào tháng 10/2015, khu vực sân đỗ tàu bay và đài chỉ huy cũ bị ngập 20 cm, nước tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn. Nhân viên sân bay phải dùng bao cát, bạt nilon ngăn không cho nước tràn vào trạm điện.

    Đề cập nguyên nhân gây ô nhiễm kênh Hy Vọng, một lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho biết, rác thải dọc kênh chủ yếu do người dân sống ở hai bên và người nơi khác đem tới đổ. Mỗi ba tháng, cán bộ phường, tổ dân phố chạy xe lưu động phát loa tuyên truyền, đối thoại với người dân dọc tuyến kênh, yêu cầu cam kết không xả rác. Chính quyền lắp khoảng 10 camera ở 4 cầu chạy dọc kênh - những "điểm nóng" xả rác để xử lý, lắp lưới sắt B40 chắn ngăn không bỏ rác...

    "Quận có trích xuất camera xử phạt một số trường hợp xả rác nhưng không đáng kể. Sắp tới địa phương sẽ lắp thêm camera có thể nhận diện người vứt rác vào ban đêm, tăng cường xử lý", lãnh đạo quận Tân Bình nói và cho biết hàng năm quận tổ chức tổ chức nạo vét, thông cống rãnh, hàng quý thuê đơn vị công ích dọn rác, nhưng với lượng rác quá lớn nên tần suất vệ sinh không đủ làm sạch kênh.

    Về lâu dài, thành phố có kế hoạch cải tạo toàn bộ tuyến kênh dài 1,8 km. Tám năm trước dự án cải tạo kênh Hy Vọng được khởi động. Công trình là thành phần của dự án "Quản lý rủi ro chống ngập cho TP HCM", tổng kinh phí 400 triệu USD vay Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên do một số vướng mắc nên năm 2017, WB ngưng tài trợ khiến việc cải tạo kênh phải ngưng lại. Một năm sau, Trung tâm điều hành chống ngập nước thành phố kiến nghị đầu tư 150 tỷ đồng cải tạo kênh nhưng sau đó vướng mặt bằng chưa thể triển khai.

    Một đoạn kênh Hy Vọng ngập rác, tháng 3/2021. Ảnh:Quỳnh Trần.

    Một đoạn kênh Hy Vọng ngập rác, tháng 3/2021. Ảnh:Quỳnh Trần.

    Mới đây, Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM đề xuất chủ trương đầu tư, xây dựng kênh Hy Vọng với mức vốn 1.980 tỷ đồng. Tuyến kênh sẽ được cải tạo đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương, dài 1,1 km, trong đó chủ yếu làm kênh hở hình chữ nhật. Công trình bố trí 55 hố thu kết nối thoát nước dọc bờ và xây mới 9 cống xả, cống qua đường... Dọc hai bờ, dự án làm đường rộng 6 m cùng vỉa hè và hệ thống thoát nước; chiếu sáng, lan can... Công trình dự kiến khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

    Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, khi dự án hoàn thành sẽ cải thiện rất lớn tình trạng ô nhiễm, giúp người dân ở đây có đời sống tốt hơn. Dự án cũng giải quyết phần nào tình trạng ngập úng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

    Hà An

    514 tỷ đồng cải tạo kênh chống ngập sân bay Tân Sơn NhấtDự án kênh chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất tăng 1.460 tỷ đồng3 dự án chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất

    Bạn đang đọc bài viết "Cuộc sống bên kênh thoát nước sân bay Tân Sơn Nhất" tại chuyên mục THỜI SỰ. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)