#

Khách sạn lừng lẫy bậc nhất Sài Gòn của "vua" ngân hàng trước năm 75, giờ ra sao?

14/04/2021 18:02

Những câu chuyện kỳ bí, mê tín được thêu dệt từ tòa nhà này rất nhiều. Nổi tiếng nhất là chuyện về 4 hồn ma trinh nữ trấn yểm tòa nhà.

    Những lời đồn rùng rợn về công trình bề thế bậc nhất Sài Gòn ngày xưa

    Được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước, chung cư số 727 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM từng được xem là một trong những công trình bề thế và hiện đại nhất Sài Gòn trước năm 1975.

    Công trình nổi tiếng này là khách sạn lừng lẫy của ông “vua” cao ốc và ngân hàng Nguyễn Tấn Đời – một trong những đại gia giàu có nhất phương Nam lúc bấy giờ. 

    Tên gọi ban đầu của khách sạn này là Building President. Theo bản thiết kế đầu tiên, khách sạn gồm 13 tầng, chia làm 6 tòa và ngăn ra thành 530 phòng.

    Một người lớn tuổi ở Sài Gòn cho biết: "Chung cư này khi xưa là một trong những công trình bề thế bậc nhất Sài Gòn, người đứng ra xây dựng là ông Đời, lúc ấy là chủ của hãng gạch bông Đời Tân, thời đó gạch bông rất được ưa chuộng trong giới nhà giàu. Vì vậy ông Đời là đại gia giàu có nhất phương Nam lúc bấy giờ. Ông ấy xây chung cư này kinh doanh thì ít mà khẳng định tên tuổi là nhiều. Thuở đó ai ở Building bước ra đều rất hãnh diện".

    Ông Tấn Đời sau khi trở nên giàu có nhờ buôn gạch bông thì lấn sân sang ngành Ngân hàng, trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Tín Nghĩa – một ngân hàng thương mại lớn nhất miền Nam những năm 1970.

     Khách sạn lừng lẫy bậc nhất Sài Gòn của vua ngân hàng trước năm 75, giờ ra sao? - Ảnh 1.

    Chung cư số 727 Trần Hưng Đạo từng là công trình bề thế bậc nhất Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước. Ảnh: Internet

    Từng là tòa nhà biểu tượng cho sự thịnh vượng của Sài Gòn hoa lệ nhưng những câu chuyện kỳ bí, mê tín được thêu dệt từ chung cư 727 Trần Hưng Đạo này cũng không ít.

    Lời đồn nổi tiếng nhất mà người Sài Gòn vẫn thường nhắc đến là câu chuyện về “4 hồn ma trinh nữ trấn yểm tòa nhà”.

    Theo đó, khi nhận được bản thiết kế ban đầu, cộng sự của ông Nguyễn Tấn Đời là một người Pháp đã tỏ ra rất lo ngại với con số 13 tầng, vốn được cho là xui rủi theo quan niệm phương Tây. Nhưng ông Đời không mấy quan tâm và vẫn cho xây đúng 13 tầng theo bản vẽ.

    Ngay khi tầng 13 đang đặt những viên gạch cuối cùng thì hàng loạt tai nạn chết người xảy ra như nhân công bị rớt giàn giáo, điện giật trụy tim… Vì lẽ đó, Building President đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành kịp tiến độ và bị giới chức chế độ cũ lúc bấy giờ rục rịch vào cuộc điều tra.

    Thấy vậy, ông Đời liền cho tạm ngưng thi công tầng 13 và mời về một thầy pháp sư để làm phép trấn yểm tòa nhà.

    Người dân truyền miệng một câu chuyện: Vị đại gia này đã lấy thi thể 4 người trinh nữ (mua trong bệnh viện) để trấn yểm bốn góc của tòa nhà. Dù là chi tiết không thể kiểm chứng nhưng câu chuyện ma quái này đã lan truyền khắp khu Chợ Lớn, Sài Gòn.

     Khách sạn lừng lẫy bậc nhất Sài Gòn của vua ngân hàng trước năm 75, giờ ra sao? - Ảnh 2.

    Nơi đây gắn với nhiều câu chuyện kỳ bí, rùng rợn được truyền miệng hàng chục năm qua. Ảnh: Internet

    Khi khách sạn Building President hoàn thành đúng dự kiến, quân đội Mỹ thuê lại toàn bộ khu nhà bề thế này để dành làm nơi nghỉ ngơi cho lính của họ. Tầng 12 được cải tạo thành quán bar, nhà hàng, nơi vui chơi cho lính. Còn tầng 13, không biết vì lẽ gì không được đưa vào sử dụng.

    Đến ngày giải phóng, khách sạn đồ sộ này được sung vào công quỹ. Hơn 400 phòng sang trọng được cải tạo thành nhà ở và cấp cho cán bộ, công nhân viên nhà nước. Tầng 12 khó có thể sử dụng được nên bị khóa lại, còn tầng 13 thì bỏ hoang, không ai dám đặt chân tới.

    Bị tháo dỡ vì xuống cấp nghiêm trọng, thành đất trống hoang tàn

    Thời gian qua đi, khách sạn bề thế một thời xuống cấp trầm trọng, trở thành căn chung cư cũ nát, rệu rạo ở TP HCM.

    Bên trong chung cư hoang tàn là những bức tường loang lổ, những mảng bê tông nham nhở và các cánh cửa sổ có thể rơi rụng bất cứ lúc nào.

     Khách sạn lừng lẫy bậc nhất Sài Gòn của vua ngân hàng trước năm 75, giờ ra sao? - Ảnh 3.

    Khung cảnh bên trong trước khi tòa nhà bị kéo sập. Ảnh: Trí thức trẻ

     Khách sạn lừng lẫy bậc nhất Sài Gòn của vua ngân hàng trước năm 75, giờ ra sao? - Ảnh 4.

    Ảnh: Internet

     Khách sạn lừng lẫy bậc nhất Sài Gòn của vua ngân hàng trước năm 75, giờ ra sao? - Ảnh 5.

    Chung cư 727 Trần Hưng Đạo bị yêu cầu đập bỏ vì xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

    Năm 2002, TP HCM quyết định di dời căn chung cư hoang tàn này để đảm bảo an toàn cho người dân.

    Ngày 15/5/2003, UBND TP ra Công văn 2106/UB-ĐT nêu ý kiến về việc chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp với công năng tòa nhà, trong đó giao UBND quận 5 lập phương án và kế hoạch di dời các hộ dân cư ngụ tại chung cư này.

    Tuy nhiên, do Công ty Dịch vụ công ích quận 5 không có đủ năng lực để triển khai, UBND TP đã có chủ trương cho công ty này hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư và Xây dựng Cholimex và CTCP bất động sản Sanny, thành lập pháp nhân mới (Công ty TNHH bất động sản Tam Đức) đầu tư dự án 320 căn hộ tái định cư. Nhưng do vướng mắc một số quy định theo Luật Đất đai, TP phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

    Ngày 20/12/2016, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Văn Khoa đã ký văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Xây dựng về việc tổ chức thanh lý, tháo dỡ chung cư cũ số 727 đường Trần Hưng Đạo.

    Quá trình di dời an toàn, bồi thường thỏa đáng và tái định cư đối với 530 hộ dân tại chung cư gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và kéo dài đến năm 2017 mới hoàn tất.

    Theo quyết định được ban hành, sau khi tháo dỡ chung cư, nơi đây sẽ được xây dựng thành trung tâm thương mại, văn phòng trên khu đất 2.762,2m2, tổng diện tích sàn khoảng 23.200m2.

    Nằm ở một trong những vị trí đắc địa nhất khu vực quận 5, chung cư 727 Trần Hưng Đạo là niềm mơ ước của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau 5 năm bị tháo dỡ, khu đất này vẫn để trống, quây tôn, khóa kín.

    Bên ngoài những tấm tôn là phần vỉa hè vỡ nát, ngập nước và chất thải. Bên trong khu đất trống là cảnh tượng hoang tàn, cây cối mọc um tùm, ngập rác, phế liệu.

     Khách sạn lừng lẫy bậc nhất Sài Gòn của vua ngân hàng trước năm 75, giờ ra sao? - Ảnh 6.

    Nơi từng là biểu tượng của Sài Gòn hoa lệ và dự kiến sẽ là một trung tâm thương mại, giờ đang là khu đất trống hoang tàn.

     Khách sạn lừng lẫy bậc nhất Sài Gòn của vua ngân hàng trước năm 75, giờ ra sao? - Ảnh 7.

    Khi được hỏi về những câu chuyện kì bí xoay quanh chung cư 727 Trần Hưng Đạo nổi tiếng một thời, những người bán hàng nước vỉa hè xung quanh nắm rõ, tuy nhiên không mấy bận tâm mà vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh thường lệ.

    Mai Anh

    Doanh nghiệp và Tiếp thị

    Bạn đang đọc bài viết "Khách sạn lừng lẫy bậc nhất Sài Gòn của "vua" ngân hàng trước năm 75, giờ ra sao?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)

    Cùng chuyên mục